Tại sao Trung Quốc không đưa vấn đề tranh chấp lên LHQ? ~ NewVina

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Tại sao Trung Quốc không đưa vấn đề tranh chấp lên LHQ?

(PLTP) Báo Inquirer của Philippines mới đây có bài viết của luật sư Ted Laguatan với nhan đề: Tại sao Trung Quốc không đưa vấn đề quần đảo Trường Sa lên Liên Hiệp Quốc? Bài báo khẳng định cơ hội chiến thắng của Trung Quốc là hi hữu.



Bài báo nhận định căn cứ Luật Hàng hải quốc tế và các luật liên quan, Trung Quốc biết rằng nếu khiếu nại lên Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển để khẳng định chủ quyền không rõ ràng gần như toàn bộ biển Đông, cơ may thắng của Trung Quốc chẳng khác gì cơ may tuyết rơi trên sa mạc Sahara.

Luật sư Ted Laguatan đã lập kịch bản giả định Trung Quốc sẽ đưa vấn đề lên Tòa án Công lý quốc tế. Hiệp hội luật sư bang California (Mỹ) từng vinh danh luật sư Ted Laguatan là một trong những luật sư giỏi nhất nước Mỹ. Ông là một trong 29 luật sư Mỹ được chứng nhận liên tục trong hơn 20 năm là chuyên gia luật về luật nhập cư.

Thẩm phán: Hãy cho tòa biết căn cứ tuyên bố chủ quyền cho rằng toàn bộ biển Đông thuộc về Trung Quốc như thế nào?

Trung Quốc: Tuyên bố chủ quyền của chúng tôi dựa vào cứ liệu lịch sử cho thấy toàn bộ khu vực này đã thuộc về chúng tôi từ triều đại nhà Hán.

TP: Ông chứng minh cơ sở lập luận của ông như thế nào?

TQ: Tôi sẽ trình lên cho tòa một bản đồ cổ cách đây gần 2.000 năm từ thời nhà Hán thể hiện biên giới của vương triều nhà Hán.

TP: Theo nghiên cứu của tôi về lịch sử Trung Quốc thì triều đại nhà Hán kéo dài từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220. Điều này đúng không?

TQ: Đúng, thưa tòa.

TP: Vào thời điểm Alexander đại đế qua đời năm 323 trước Công nguyên, vương quốc của Alexander bao gồm Hy Lạp, Syria, đế chế Ba Tư (Iran, Ai Cập và một phần của Ấn Độ ngày nay). Macedonia, đất nước của Alexander đại đế xưa kia, là Macedonia ngày nay… Ông cũng biết thời cực thịnh, đế chế La Mã bao gồm hầu hết lãnh thổ châu Âu và nhiều phần của châu Phi và châu Á?

TQ: Cảm ơn, thưa tòa, tôi cũng có nghiên cứu lịch sử.

TP: Từ thời của Alexander đại đế, đế chế La Mã và triều đại nhà Hán, đến nay nhiều nước độc lập đã ra đời ở châu Âu, châu Phi và châu Á và đều có lãnh thổ riêng. Ông có chấp nhận thực tế này không?

TQ: Chúng tôi không thể chối bỏ thực tế này, thưa tòa.

TP: Ông có tin rằng nếu Macedonia và chính phủ Ý ra trước tòa này và đề nghị xác nhận họ sở hữu các lãnh thổ xưa kia thuộc đế chế của Alexander và đế chế La Mã thì chúng tôi có chấp nhận không?

TQ: Tôi hiểu nhưng những gì chúng tôi tuyên bố chủ quyền là lãnh hải chứ không phải đất đai.

TP: Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa không phải là đất đai ư? Trung Quốc là một bên ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phê chuẩn ngày 6-7-1996. Phải chăng giờ đây Trung Quốc ỷ vào vai vế nước lớn và sức mạnh quân sự sử dụng sức mạnh cưỡng ép để chiếm trữ lượng dầu khổng lồ này từ các nước láng giềng nhỏ hơn, yếu hơn, nghèo hơn?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ