Nước Anh trong khối lửa ~ NewVina

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Nước Anh trong khối lửa

(NewVina) Nếu người ta không nhắc tới London và nước Anh khi đưa tin về tình trạng đốt phá, bạo loạn và cướp bóc trong mấy ngày qua, nhiều khán giả sẽ tưởng nhầm họ đang xem những cảnh ở Somalia hay Sudan.

Lửa cháy như Hỏa Diệm Sơn ở khắp nơi khiến có người London nhớ cảnh thành phố bị máy bay của Hitler ném bom hồi năm 1941.

Có những tòa nhà tồn tại qua nhiều đời vua chúa và nhiều cuộc chiến nhưng đã cháy rụi trong đợt bạo loạn bắt đầu từ tối 6/8.

Người Anh cũng chứng kiến cảnh người dân nhảy ra khỏi nhà để tránh bị thiêu đốt, không khác gì cảnh người Hoa Kỳ nhảy khỏi Tòa Tháp đôi ở New York bị tấn công.

Cảnh đập phá, hôi của diễn ra hàng loạt và tàn bạo.

Có cậu học sinh, trông chỉ 14-15 tuổi được một số kẻ côn đồ đỡ dậy khi bị thương ở mặt và máu loang ra đất, nhưng chỉ một phút sau chính những kẻ này đã xúm đông xúm đỏ vào hôi của trong chiếc ba lô đeo trên lưng của em.

Tình trạng bạo loạn tại nhiều nơi khiến cảnh sát không kịp trở tay và số cuộc điện thoại gọi tới dịch vụ khẩn cấp ở London trong ngày 8/8 lên tới 20.000, so với con số 5.000 của những ngày bình thường.

Nhiều người dân London và cả Thị trưởng Boris Johnson đều nói họ thấy xấu hổ khi là người London trong mấy ngày qua. Người bạo loạn tấn công cả cảnh sát.

Nhiều dân thường gặp nạn khi những kẻ côn đồ đốt phá nhà dân và đi cướp đồ.

Nhưng cảnh sát Anh cũng đã có kinh nghiệm từ Bắc Ailen, nơi mà sự mạnh tay của cảnh sát và quân đội chỉ khiến bạo lực gia tăng.

Dường như trong những đêm bạo loạn đầu tiên, cảnh sát Anh theo chính sách của đi thay người và tránh gây thương vong cho dân thường mặc dù hơn 100 cảnh sát bị thương.

Cho tới nay chỉ có một người bị những kẻ côn đồ bắn chết trong lúc bạo loạn mặc dù thiệt hại về tài sản có thể lên tới hàng chục triệu đô la.

Về hành vi của những người tham gia bạo loạn, các nhà bình luận đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

Người nói rằng các tay anh chị đã mượn cái chết của anh Mark Duggan và bạo loạn ở Tottenham để điều phối các băng đảng đi gây bạo loạn và cướp của.

Người coi những sự việc diễn ra trong mấy đêm vừa qua là chủ nghĩa tiêu thụ bạo lực khi các nhóm côn đồ cơ hội dùng bạo lực để có được những gì họ muốn, từ đồ ăn, thức uống tới điện thoại di động hay TV màn hình phẳng.

Có người lại nói rằng xã hội Anh đã khiến cho không ai bảo được ai vì các luật lệ hiện hành.

Bố mẹ thấy con đi bạo loạn có khi không dám tát vì sợ phải ra tòa vì đánh con.

Thầy cô giáo thấy học sinh hư không dám bạt tai vì sợ bị kiện.

Cảnh sát thấy những kẻ côn đồ ném đá vào mình không dám đánh lại cũng vì sợ phạm luật và phải ra tòa.

Về phía những người biểu tình và những kẻ bạo loạn, họ cũng có lý lẽ của họ.

Có thanh niên bịt mặt lên TV nói với BBC :"Chúng tôi muốn thấy có thay đổi.

"Chúng tôi muốn người ta thấy chúng tôi có giá trị và chúng tôi muốn có cơ hội.

"Khi người ta tức giận thì không thể trách những việc người ta làm được.

"Người ta làm nhiều điều điên rồ khi người ta giận dữ."

Nhưng không phải tất cả những người tham gia bạo loạn đều giận dữ.

Có những cô gái cười đùa vui vẻ khi kể với BBC về chuyện các cô đi gây sự với cảnh sát và tiện thể mang về nhà những đồ lấy được từ các cửa hàng bị đập phá.

Trong số những người tham gia bạo loạn, người ta cũng thấy có cả những cậu bé mới 10 tuổi.

Nếu theo dõi tin thức về thanh thiếu niên Anh trong những năm gần đây, người ta có thể thấy tuổi trẻ ở đất nước từng bị gọi là Broken Britain (Nước Anh Tan nát) thua kém xa so với những người trẻ tuổi ở các nước khác về học tập và cách sống.

Đơn cử một tít báo của tờ The Independent từ hồi năm 2004: "Không lành mạnh, không hạnh phúc và không có lòng tự trọng - Thiếu niên Anh bị giới trẻ thế giới bỏ lại sau".

Trong khi đó cách đây hai năm, một cuộc khảo sát cho thấy giới trẻ Anh uống rượu và say rượu đứng hàng thứ ba tại Châu Âu.

Tình trạng sử dụng ma túy và băng đảng cũng đã được nhiều báo Anh nói tới.

Người ta nói rằng một thế hệ trẻ ở nước Anh lớn lên trong hoàn cảnh các bậc phụ huynh không bao giờ dám nói "không" với các con.

Nhiều trẻ em cũng cũng bị cha bỏ rơi từ sớm trong khi người mẹ quá bận bịu với công việc để có thể dạy dỗ con cái.

Không ít trường hợp các ông bố bà mẹ cũng còn là tấm gương xấu cho giới trẻ khi họ lười lao động, thích sống nhờ tiền trợ cấp, nghiện rượu, thuốc lá và cả ma túy.


Tất cả những điều này xảy ra trong một xã hội tiêu thụ mà khoảng cách giàu nghèo tăng mạnh khi có người nhận mức lương dưới 20.000 bảng Anh so với con số hàng trăm ngàn hay hàng triệu bảng của nhiều người khác.

Các cuộc bạo loạn vừa xảy ra ở nước Anh làm cho người ta phải nhìn lại các chính sách xã hội và pháp lý.

Quốc hội Anh sẽ nhóm họp phiên bất thường trong ngày 11/8 giữa kỳ nghỉ hè của dân biểu.

Người ta có thể bàn bạc nhiều vấn đề nhưng với tình trạng suy thoái kinh tế và hàng triệu người đang thất nghiệp, trong đó có nhiều thanh niên, giải quyết các vấn đề hiện nay là nhiệm vụ có lẽ của nhiều nhiệm kỳ thủ tướng.

Nguồn: BBC và nhiều nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ